Ngày 7-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề; đề án xây dựng di dời các trường đại học, cao đẳng vùng thủ đô Hà Nội và TPHCM. Tham dự có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Tham dự hội nghị về phía đầu cầu TPHCM có Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cùng các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 4 năm thực hiện Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020, hiện nay, cả nước có 188 trường đại học, 226 trường cao đẳng; tổng quy mô sinh viên là 2.182.727 sinh viên, trong đó đại học là 1.473.510 sinh viên. 2 ngành chiếm tỷ lệ sinh viên theo học cao nhất là ngành kỹ thuật – công nghệ chiếm 31,26% tổng số sinh viên, quản lý kinh tế – tài chính chiếm 36,57% tổng số sinh viên.
Nếu duy trì mức tăng quy mô sinh viên tuyến mới hàng năm là 6,5% thì đến năm 2020 đạt 400 sinh viên trên một vạn dân và tỉ lệ sinh viên trong độ tuổi 18-24 chiếm 58%. Cụ thể, tổng số sinh viên đến năm 2020 đạt 3.914.000 sinh viên. Với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực như hiện nay, đến năm 2020, cả nước sẽ có 580 trường đại học và 314 trường cao đẳng; 310 trường trung cấp nghề và trên 1.000 trung tâm dạy nghề.
Để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong thời gian tới, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng cần phải xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới trường đại học, cao đẳng và dạy nghề phù hợp. Dự kiến đến năm 2020, cả nước có khoảng 3,9 triệu sinh viên theo học trong các trường đại học, cao đẳng, cao gần gấp hai lần hiện nay, bình quân đạt 400 sinh viên/1 vạn dân. Tuy nhiên, hiện nay do cơ sở vật chất trường lớp chưa đảm bảo yêu cầu dạy và học, phần lớn các trường lại tập trung ở thành phố lớn nên rất khó phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo ở các bậc học này do điều kiện đất đai chật hẹp, thường xuyên diễn ra ùn tắc giao thông.
Về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh chỉ tiêu số sinh viên/1 vạn dân từ 450 xuống còn 400 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020. Chỉ tiêu quy mô sinh viên ngoài công lập từ 40% xuống 30% vào năm 2020.
Cũng tại hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với TPHCM tiêu chí để di dời các trường. Cụ thể, không di dời các trường đào tạo năng khiếu, âm nhạc, hội họa…; không di dời các công trình giáo dục có ý nghĩa văn hóa, lịch sử cần bảo tồn. Các trường phải di dời nếu không đủ diện tích 25m2/sinh viên hoặc có diện tích dưới 2 ha, cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo không đạt yêu cầu; trường đào tạo nhiều cấp học, trong đó cấp học được giao nhiệm vụ đào tạo chính ít hơn cấp học khác; trường đã được phê duyệt kế hoạch di dời và trường có hơn 2 cơ sở đào tạo trong nội thành.
Lãnh đạo TPHCM đề nghị tiến độ di dời khoảng 40 trường theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011-2015 di dời 5 trường; giai đoạn 2016-2020 di dời các trường còn lại. TP đề nghị cơ chế sử dụng hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) để các nhà đầu tư góp vốn xây dựng trường mới và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cơ sở đào tạo cũ. Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào khu đại học.
Từ thực trạng mạng lưới trường đại học, cao đẳng hiện nay trên cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ chủ trương của Trung ương và nhu cầu thực tế của địa phương về phát triển kinh tế-xã hội để quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng phù hợp.
Đến nay, cả nước mới chỉ có 14,2 triệu người qua đào tạo nghề, trong lúc yêu cầu đặt ra đến năm 2020 phải có 34 triệu người qua đào tạo. Do đó, mỗi địa phương phải xác định ngành nghề chủ lực của mình để tập trung đầu tư mũi nhọn. Đồng thời huy động các doanh nghiệp liên quan đến từng lĩnh vực vào cuộc góp phần thực hiện thành công công tác xã hội hóa giáo dục ở bậc học đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; trong đó chú trọng đến các doanh nghiệp nước ngoài góp phần đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế.
Đối với thành phố Hà Nội và TPHCM có số lượng trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề chiếm lớn nhất cả nước. Do đó, sự cần thiết phải quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2050 và trong số đó rất nhiều trường phải di dời đến các quận, huyện, các tỉnh, thành phố trong vùng nhằm đảm bảo các tiêu chí về đất đai, môi trường, giao thông… để xây dựng đạt chuẩn. Lộ trình di
dời cố gắng hoàn thành vào năm 2025.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định cơ cấu các trường phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước.
.Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết tương lai không khuyến khích mở thêm trường công lập, mà tập trung nâng cao chất lượng các trường đã có. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các trường ĐH, CĐ tư thục tại các địa bàn có điều kiện để cùng Nhà nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng các cụm trường đại học cần gắn với quy hoạch phát triển đô thị; các địa phương căn cứ quy hoạch nguồn nhân lực của Chính phủ để tiến hành phê duyệt quy hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng cho nhu cầu của địa phương mình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn bạc với thành phố Hà Nội và TPHCM để đẩy nhanh tiến độ di dời, đến năm 2025 hoàn tất việc di dời. Phó Thủ tướng đồng ý với nguyên tắc những trường đặc biệt liên quan đến công trình văn hóa, khoa học, lịch sử và truyền thống cách mạng thì có thể duy trì để lưu giữ, bảo tồn, bảo quản và tôn tạo, không ảnh hưởng đến quy hoạch chung.
PV
(Theo www.nguyenthanhnghi.net)