Ngày 17/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Báo cáo tình hình công nhân viên chức lao động và kết quả hoạt động công đoàn sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nêu rõ: Công nhân viên chức lao động cả nước tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành của Chính phủ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. 3 năm qua, cả nước đã thành lập mới được 12.333 công đoàn cơ sở, kết nạp 1.863.887 đoàn viên. Tính đến tháng 12/2010, cả nước có gần 7,1 triệu đoàn viên và hơn 106.000 công đoàn cơ sở. Công đoàn các cấp đã chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp ngoài nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đông đoàn viên; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng. Năm 2010 đã có 15.221 công nhân lao động được kết nạp Đảng, tăng 4,85%. Các cấp công đoàn đã động viên cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất “năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”… góp phần phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn. Trên lĩnh vực đối ngoại, Công đoàn Việt Nam đã phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 tổ chức quốc tế, công đoàn quốc tế, công đoàn quốc gia… bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao vị thế đất nước và Công đoàn trên thế giới.
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 20/NQ-TW mới chỉ tập trung ở khu vực kinh tế nhà nước, chưa được quan tâm thỏa đáng ở khu vực ngoài nhà nước. Nhiều vấn đề cấp bách như mục tiêu Nghị quyết đề ra, chưa thật sự được tập trung giải quyết quyết liệt và chưa tạo được sự chuyển biến đáng kể. Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động và cơ chế phối hợp giữa nhà nước, chủ doanh nghiệp, công đoàn để giải quyết những vấn đề về tranh chấp lao động, bảo hiểm xã hội, Luật tiền lương tối thiểu… chưa được tập trung triển khai. Việc thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm lo lao động nữ… chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ của Công đoàn, mà của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, việc triển khai Nghị quyết 20/NQ-TW đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, mà nhằm xây dựng và phát triển vững mạnh, toàn diện giai cấp công nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 20, trước hết cần bám sát các nội dung, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra; nhìn nhận, đánh giá đúng những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, những nội dung cần bổ sung, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm; từng bước tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, tầm quan trọng của việc xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng nước ta. Các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 20/NQ-TW đã đề ra phải được cụ thể hóa thành các đề án, chương trình hành động cụ thể. Tuy nhiên, để tránh dàn trải, trong giai đoạn sắp tới, cần lựa chọn, xây dựng các đề án, chương trình hành động có tính khả thi cao, tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách, như thu nhập, tiền lương, bảo hiểm, y tế, phúc lợi công cộng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phải quyết liệt hơn, bảo đảm tính tập trung, thống nhất cao hơn, trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, vai trò chủ động tổ chức, tham mưu, đề xuất của tổ chức Công đoàn các cấp.
* Cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm các phân xưởng sản xuất, khu nhà ở, gặp gỡ công nhân lao động và làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Thăng Long; đến thăm, làm việc tại Công ty cổ phần xích líp Đông Anh, tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Qua tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh, công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, công tác quần chúng và tình hình đời sống của công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nói chung và tại một số doanh nghiệp tại đây (như: Công ty TNHH Denso, Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội; Công ty TNHH TOTO Việt Nam; Công ty TNHH Canon Việt Nam…), Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 20, không chỉ nhằm phát huy vai trò quan trọng của giai cấp công nhân trong phát triển sản xuất kinh doanh, mà còn nhằm chăm lo mọi mặt, nâng cao trình độ toàn diện cho công nhân lao động, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, hài hòa mối quan hệ giữa chủ và thợ, giữa doanh nghiệp và địa phương… Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn các cấp chính quyền thành phố, tổ chức Công đoàn, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa đối với công nhân lao động cả về vật chất lẫn tinh thần, hỗ trợ anh chị em học tập, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, văn minh công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả, vì sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó, mỗi công nhân, người lao động cần nâng cao hơn nữa nhận thức chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong doanh nghiệp, đối với gia đình và xã hội.
Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy, nhiều doanh nghiệp tại đây đã phát triển nhanh chóng, làm thay đổi bộ mặt ở khu vực phía Bắc Thủ đô, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đông đảo người dân, không chỉ ở huyện Đông Anh, Hà Nội, mà cả các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và cả nước. Tổng Bí thư mong muốn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, không ngừng phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu trở thành những mô hình kiểu mẫu về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tặng quà một số gia đình công nhân tiêu biểu./.
PV
.
(Theo website Nguyễn Thanh Nghị)