Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chốt” như vậy tại buổi làm việc với UBND TP chiều 15-3 về trật tự an toàn giao thông.
Một trường hợp xử phạt vi phạm giao thông trên quốc lộ 1A, Q.Bình Tân, TP.HCM- Ảnh:T.T.D. |
Ý kiến các bộ ngành trung ương đều ghi nhận nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp mang lại những tín hiệu khả quan ở những tháng đầu năm 2012 trong giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông tại TP.HCM.
Chiếm 1/3 lượng ôtô cả nước
"Sẽ có lộ trình cụ thể để hạn chế xe cá nhân và có thông báo trước cho người dân biết, chẳng hạn như đến lúc nào đó không được sử dụng xe máy. Tới đây xe máy cũng phải đăng kiểm"
Bộ trưởng Bộ GTVT
ĐINH LA THĂNG
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, vấn đề nổi cộm nhất của giao thông TP là tốc độ gia tăng xe cá nhân quá nhanh. Năm 2011, TP.HCM tăng gần 650.000 xe, nâng tổng số phương tiện cá nhân của toàn TP lên 5,5 triệu chiếc. Trong đó có 500.000 ôtô, chiếm tới 1/3 lượng ôtô của cả nước. Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trần Quang Phượng phân tích quỹ đất dành cho giao thông của TP rất thấp, năm 2011 chỉ cải tạo và làm mới 1,3 triệu m2 (tương đương tăng 0,3%) trong khi tốc độ gia tăng xe cá nhân của TP là 13%, gây nên áp lực ùn tắc giao thông của TP rất cao. Hiện nay tỉ lệ đất dành cho giao thông đô thị của TP.HCM mới đạt 6,1% trong khi tiêu chuẩn của thế giới phải từ 22-24%.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, trong bối cảnh khó khăn đó, năm 2011 TP.HCM đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ như: xây dựng và đưa vào hoạt động những công trình giao thông xuyên tâm như đại lộ Đông - Tây, đường hầm vượt sông Sài Gòn... Vì vậy tình hình giao thông của TP.HCM đang có nhiều cải thiện rõ rệt: hai tháng đầu năm 2012 toàn TP chỉ xảy ra 91 vụ tai nạn giao thông làm chết 79 người, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước và số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút cũng giảm rõ rệt.
Để cải thiện tình hình giao thông TP, theo ông Trần Quang Phượng, sắp tới Sở GTVT sẽ tiếp tục lắp đặt dải phân cách để phân làn ôtô và xe hai bánh trên 23 tuyến đường. Về tổng thể, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ sớm điều chỉnh quy hoạch giao thông của TP để dành quỹ đất cho giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết trong năm 2012 TP.HCM dành trên 5.000 tỉ đồng đầu tư những tuyến đường huyết mạch và chi hơn 100 tỉ đồng để sắm các trang thiết bị cho cảnh sát và thanh tra giao thông làm nhiệm vụ. TP cũng sẽ triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ khác để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như đầu tư hơn 1.680 xe buýt mới, thúc đẩy tiến độ xây dựng các bãi đậu xe ngầm...
Trung tâm theo dõi giao thông qua camera của kênh VOV giao thông phía Nam (FM 91,0 MHz) là một trong số những giải pháp giảm ùn tắc giao thông cho TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
TP.HCM cần giữ “phong độ”
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, một trong những việc TP cần tập trung là rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông, trong đó lưu ý đến quy hoạch các tuyến đường vành đai, tàu điện ngầm, bãi đỗ xe... để làm cơ sở đầu tư xây dựng. Cũng cần sớm hoàn thành phê duyệt mạng lưới trường học, bệnh viện. Ông Nghị lưu ý TP cần giảm tải cho khu vực trung tâm, đồng thời có giải pháp nâng tỉ lệ đất dành cho giao thông đô thị.
Ngoài ý kiến đồng tình với giải pháp phân tách đường dành cho ôtô và xe máy, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đề nghị TP.HCM cần quan tâm hơn đến phát triển giao thông công cộng, giao thông tĩnh. Ông nhấn mạnh TP.HCM cần phối hợp ba lực lượng gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự để vừa tuần tra giữ gìn trật tự giao thông, chống đua xe hiệu quả vừa đấu tranh chống cướp giật trên đường phố. Theo ông Ngọ, TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong phối hợp ba lực lượng này và “thương hiệu 141” (kế hoạch phối hợp ba lực lượng) đã đi vào ý thức của người dân thủ đô. Ông Ngọ hi vọng TP.HCM sẽ đạt được những kết quả tốt như Hà Nội khi phối hợp ba lực lượng tuần tra trên đường.
Tuy nhiên, điều lo lắng là liệu TP.HCM có giữ được những tín hiệu khả quan của những tháng đầu năm 2012 trong giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông hay không? Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói: “Tôi mong TP.HCM giữ được “phong độ” ổn định, làm thường xuyên, liên tục trong thực hiện nhiệm vụ này của năm 2012”. Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Nguyễn Văn Đua cho rằng tuy tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông giảm nhưng số người chết vẫn còn nhiều. Ông Đua đồng tình vấn đề làm sao giữ được tính bền vững, làm đường dài... để mang lại kết quả đáng mừng hơn.
Chính phủ ủng hộ hạn chế xe cá nhân
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các kiến nghị của TP.HCM nhằm tăng mức độ cưỡng chế, răn đe trong kiểm tra, xử lý vi phạm về giao thông. Ông Phúc cho hay chủ trương của việc sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm về giao thông sẽ theo hướng tăng nặng mức phạt, đảm bảo xử lý nghiêm và răn đe hơn.
Trong các giải pháp thì hạn chế xe cá nhân nổi lên như một bức xúc và làm được điều này sẽ hóa giải được bức tranh giao thông xám xịt như hiện nay ở các đô thị lớn. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, về thu phí xe cá nhân, xe vào trung tâm TP, Quốc hội đồng ý với các giải pháp chung của Chính phủ đưa ra, trong đó có các loại phí này. Bộ GTVT đã làm xong đề án và “những biện pháp này nhằm hạn chế sự gia tăng quá nhanh xe cá nhân như hiện nay”. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thu phí xe cá nhân, xe vào trung tâm TP, quan điểm của Chính phủ là ủng hộ.
Ngoài ra, giải pháp tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cũng được tính đến. Phó thủ tướng khẳng định ưu tiên vốn ODA cho các công trình giao thông ở TP và giao Bộ Kế hoạch - đầu tư cùng TP tìm kiếm nguồn vốn này. Ông cũng quyết các đầu tư cấp bách cho giao thông không bị chi phối, hạn chế bởi nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát... Ông Thăng đề nghị Chính phủ giao cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ định thầu các công trình giao thông cấp bách và chịu trách nhiệm việc chỉ định này nhằm rút ngắn thủ tục. Ông cho rằng do sự lạc hậu của các quy định về đấu thầu nên chọn được nhà thầu “chạy” khỏe, không chọn được nhà thầu làm khỏe (có năng lực thật sự).
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định tập trung cho các giải pháp trọng tâm trước mắt và lâu dài, nhưng các giải pháp phải được làm đồng bộ. Nói về con số giảm 30% tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông như kỳ vọng của Chính phủ, ông Quân nhấn mạnh tuy đây là nhiệm vụ phức tạp nhưng TP quyết tâm giảm đến mức thấp nhất, không để số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông tăng.
Mở rộng quốc lộ 1 là hợp lý
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về một số vấn đề giao thông đang được dư luận quan tâm. Trước một số ý kiến đặt vấn đề có cần thiết đầu tư hơn 126.000 tỉ đồng để nâng cấp quốc lộ 1 trong khi đã có dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, ông Thăng cho biết: việc mở rộng quốc lộ 1 nằm trong quy hoạch tổng thể quy hoạch phát triển giao thông đường bộ VN đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, hệ thống đường Bắc - Nam gồm năm hệ thống: thứ nhất là quốc lộ 1 đang có chủ trương mở rộng lên bốn làn xe cơ giới và hai làn xe máy trước năm 2016, thứ hai là đường cao tốc dự kiến tới năm 2020 xây dựng được khoảng 2.000km, thứ ba là đường ven biển gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và chống biến đổi khí hậu, thứ tư là đường Hồ Chí Minh, thứ năm là đường ven biên giới để đảm bảo tuần tra biên giới. Vì vậy, dù có đường cao tốc vẫn phải mở rộng quốc lộ 1.
Về ý kiến cho rằng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương “thu phí trên trời”, ông Thăng cho rằng mức phí đường này chỉ bằng 2/3 mức phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Sở dĩ mức phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không bị phản ứng vì khi đưa đường vào sử dụng là thu phí ngay, còn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do đưa vào sử dụng hai năm mới thu phí nên bị “kêu”.