Cơ hội chia sẻ nhu cầu phát triển công nghệ Xanh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang phát biểu khai mạc đánh giá cao vai trò của Bộ Môi trường Hàn Quốc trong các hoạt động quốc tế về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đặc biệt là các sáng kiến về “tăng trưởng xanh”, giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. “Đây là những đóng góp hết sức quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Bộ trưởng Quang cũng bày tỏ vui mừng về những kết quả đạt được trong thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý môi trường, phát triển công nghệ môi trường, tăng cường xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp môi trường. Các dự án hợp tác và sự hỗ trợ của Bộ Môi trường Hàn Quốc đã góp phần tích cực vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, khắc phục ô nhiễm ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, ô nhiễm, suy thoái môi trường hiện là mối quan tâm lớn của Chính phủ và toàn xã hội. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được đề ra trong chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam là phát triển hợp tác quốc tế, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao kinh nghiệm quản lý môi trường, ứng dụng công nghệ môi trường, tạo nguồn đầu tư tài chính… cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ hoạt động chào mừng, cùng ngày, Tổng cục Môi trường phối hợp với Trung tâm Hợp tác Việt- Hàn, Viện Công nghệ và Kỹ thuật Môi trường Hàn Quốc tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc về công nghệ xanh 2012” – cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước tiếp nhận, chia sẻ thông tin về nhu cầu và tình hình thực hiện các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng môi trường đô thị và các khu công nghiệp.
Bà Yoo Young Sook, Bộ trưởng Môi trường Hàn Quốc đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước vững mạnh và phát triển. Đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Bà Yoo Young Sook cho biết “rất có ấn tượng về môi trường tại Việt Nam sau chuyến thăm quan tại danh lam thắng cảnh Tràng An, Ninh Bình qua nhiều phương cách bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường tại đây”. Bà nhấn mạnh sẽ làm hết sức mình thắt chặt mối quan hệ giữa hai Bộ, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong bảo vệ môi trường, chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam và Hàn Quốc lần thứ 10 tại Seoul, Hàn Quốc vào năm 2013.
Kinh tế Xanh: Những câu chuyện thành công
Sáng kiến Kinh tế Xanh của UNEP đưa ra bốn năm trước cung cấp các phân tích và hỗ trợ các quốc gia xây dựng chính sách đầu tư phát triển các lĩnh vực xanh, các chính sách giúp “xanh hóa” nền kinh tế, để có công nghệ sạch và nông nghiệp bền vững… Đó là năng lượng tái tạo, các phương tiện giao thông, tòa nhà thân thiện với môi trường, công nghệ sạch, cải thiện phương pháp xử lý chất thải, cung cấp nước sạch, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bền vững. Kinh tế Xanh còn góp phần vào tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo, giải quyết những thách thức khí hậu và sinh thái.
Ở đây xin kể câu chuyện Trung Quốc đang thực hiện những bước tiến đáng kể để chuyển sang một chiến lược tăng trưởng sạch dựa trên sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Chính phủ Trung Quốc cam kết đến năm 2012 năng lượng tái tạo sẽ chiếm 16% tổng năng lượng tiêu thụ. Để trực tiếp khuyến khích sản xuất tua-bin gió ở các địa phương, chính phủ thực hiện chính sách khuyến khích liên doanh và chuyển giao công nghệ trong công nghệ tua-bin gió lớn, bắt buộc sử dụng các sản phẩm tua-bin gió của địa phương trong các công trình. Bộ Khoa học và Công nghệ nước này cũng trợ cấp chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển) cho việc sản xuất năng lượng gió. Quốc gia này còn là nhà sản xuất pin (PV) năng lượng mặt trời lớn nhất của thế giới, đáp ứng 45% nhu cầu PV năng lượng mặt trời toàn cầu (năm 2009), và hiện là thị trường lớn nhất thế giới về năng lượng nước nóng mặt trời, chiếm gần hai phần ba tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Hơn 10% hộ gia đình ở Trung Quốc sử dụng thiết bị đun nước nóng mặt trời với hơn 160 triệu m2 diện tích lắp đặt. Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp sản xuất bình nước nóng năng lượng mặt trời mang lại lợi nhuận cho cả các nhà sản xuất lẫn các hộ gia đình. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy một ví dụ về tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, có thể tạo ra công ăn, việc làm và tạo thu nhập trong ngành công nghiệp xanh.
Chuyện Năng lượng tái tạo ở Trung Quốc, hay Thuế tái tạo ở Kenya, Nông nghiệp hữu cơ ở Uganda, Quy hoạch đô thị bền vững tại Brazil, Cơ sở hạ tầng sinh thái ở nông thôn Ấn Độ, Quản lý rừng tại Nepal, Dịch vụ sinh thái ở Ecuador, Năng lượng mặt trời tại Tunisia…đều là minh chứng cho lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường của kinh tế Xanh, nhất là sự quan tâm của các nước đang phát triển đối với kinh tế Xanh ngày càng tăng.
Anh Thư (daidoanket.vn)